Đặc sản Cà Mau Bồn Bồn – Món quà từ vùng đất cuối trời tổ quốc: Vùng đất Cà Mau từ xưa kia được nhà văn Đoàn Giỏi miêu tả trong “Đất rừng phương nam” như là vùng đất “ Muỗi kêu như sáo thổi, đĩa lềnh tựa bánh canh..”, nhưng đó có vẻ chỉ là thời kỳ đầu khi mà vùng đất này còn là vùng hoang vu chi địa. Ngày nay Cà Mau được biết đến như là vùng đất có nhiều điểm du lich thu hút khách thập phương, và một trong số đó chính là cảm giác được trải nghiệm văn hóa ẩm thực của vùng đất này. Nói đến ẩm thực của xứ Cà Mau sẽ là một thiếu xót lớn nếu như không nhắc đến một loại “rau” đặc trưng của vùng đất này – Bồn bồn món ăn đặc trưng có quanh năm không thể thiếu trong các tour du lịch miền tây khi về vùng đất Mũi Cà Mau.
Vậy bồn bồn là gì?
Bồn Bồn còn được biết đến với một số tên gọi khác như: Thủy hương bồ, hương bồ thảo, cỏ nến… Đây là một loại cây sống ở vùng đất ngập nước phát triển trên các cạnh của ao, hồ và sông, suối có dòng chảy chậm.Ở Việt Nam Cỏ nến mọc hoang ven rìa đầm lầy nước ngọt hoặc lợ, ít phèn, chủ yếu tập trung ở 3 tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau (thuộc cực nam Nam Bộ), tuy cũng gặp rải rác ở các vùng đất ngập nước khác của miền tây Nam Bộ như Đồng Tháp, An Giang,… vì nước nhiều phèn nên Bồn Bồn không phát triển.
Bồn bồn từ loài cây gây hại trở thành đặc sản.
Theo lời kể của ông bà xưa “Cái thời chống Mỹ, đồn bốt giặc còn đặt ở vùng đất Cái Nước mình, cây bồn bồn cùng với năn là những loài thực vật chủ yếu làm lên màu xanh bạt ngàn của lung đất thấp trũng”.
Cứ vào khoảng tháng 4, tháng 5 (âm lịch) hàng năm, mùa mưa đến là lúc cây cỏ trỗi dậy, bồn bồn cũng không ngoại lệ, và còn tỏ ra mạnh mẽ hơn, lúc nào cũng đâm chồi trước hết và chỉ sau khoảng 2 tháng sẽ đầy ắp ruộng đồng.
Thời ấy, ở bất kỳ đâu chúng đều sống được, khi tập trung thành vùng rộng lớn trùng trùng lớp lớp, sát vào nhau như cố thủ không cho bất kỳ loài nào khác vươn lên trong cùng hệ sinh thái, khi lại đâm thẳng lên từ những đám năn bịt bùng, lúc lại trỗi dậy từ trong sự khắc nghiệt của đám cỏ chỉ, cỏ lau. Sức sống của bồn bồn mãnh liệt là thế, nhưng cũng chính sự dẻo dai, tham sống của loài cây này mà nó đã trở thành “cái gai trong mắt” của người dân. Tới khoảng tháng 6, tháng 7 bà con tiến hành phát cỏ để tiến hành vụ lúa cấy. Đây là lúc người nông dân “uất hận” bồn bồn, đơn giản là họ phải phát dọn sạch đất ruộng, trong đó chủ yếu là bồn bồn và năn để cấy lúa.
Mốc đánh dấu sự thay đổi về mặt giá trị của bồn bồn là sau năm 2000, bắt đầu thực hiện chuyển dịch sang nuôi tôm. Cây bồn bồn mất đi lợi thế sinh trưởng khi nước bị nhiễm mặn. Sau đó vùng đất Cái Nước được khép kín, nguồn nước ngọt trở lại và cây bồn bồn chẳng biết ở đâu, như mũi lê, mũi mác từ đất lao lên. Nhưng khác với hình ảnh người dân khi xưa gắn cho là “loài cây hại”. Nay bồn bồn “trở mình” biến thành đặc sản níu chân khách du lịch về thăm đất Mũi.
Công dụng của cây bồn bồn
Không chỉ là thức ăn Phấn hoa của các loài này cũng được sử dụng trong y học cổ truyền phương Đông với tên gọi bồ hoàng.Theo y học cổ truyền Việt Nam, hoa bồn bồn có tác dụng tốt trong điều trị bệnh, nhất là những bệnh của phụ nữ.
Hoa bồn bồn thuộc loại đơn tính, nằm trên cùng một trục, hoa đực ở trên có lông ngắn màu vàng nâu, hoa cái ở dưới có lông màu nâu nhạt.
Khi thu hái cây bồn bồn, cắt lấy hoa đực phơi khô, giã nhỏ, rây lấy phấn hoa, đem phơi lại lần nữa. Loại phấn hoa này có tên là bồ hoàng (Pollel Typhae), nếu để nguyên như thế gọi là sinh bồ hoàng, đem sao đen gọi là hắc bồ hoàng. Bồ hoàng là vị thuốc đã được ông bà ta và nhiều dân tộc ở phương Đông sử dụng từ hàng ngàn năm trước.
Theo các tài liệu đông y cổ, bồ hoàng có vị cam, tính bình; đi vào ba kinh can, tỳ và tâm bào. Sinh bồ hoàng có tác dụng hoạt huyết, hành ứ, tiêu viêm; dùng chữa các loại bệnh trật đã tổn thương, phụ nữ đau bụng kinh, kinh bế, kinh nguyệt không đều, huyết ứ, đau ngực, đau hông, bạch đái, tiểu tiện không thông và một số trường hợp bị viêm nhiễm.
Riêng hắc bồ hoàng có tác dụng thu liễm, chỉ huyết, dùng để chữa các chứng ho ra máu, khạc ra máu, chảy máu cam, thổ huyết, rong kinh, rong huyết, tiểu tiện ra huyết…
Bồn bồn làm món gì ngon?
Bồn bồn nổi tiếng với nhiều món ăn như dưa bồn bồn, bồn bồn nhúng lẩu, canh chua, bồn bồn xào tôm, làm gỏi, thậm chí có thể ăn sống. Món ăn từ cây bồn bồn đã có mặt trong thực đơn nhà hàng, như một đặc sản Miền Tây.Bồn bồn nhổ từ ao đầm mang về chặt bỏ phần lá dài, giữ lại từ gốc lên khoảng 30-35cm rồi sau đó tách ra lấy lõi non bên trong. Ngâm nước vo gạo với ít muối, sau 1 tuần là ăn được.
Nếu bạn có dịp về Cà Mau, theo Quốc lộ 1, đoạn xã Tân Hưng Ðông, huyện Cái Nước sẽ thấy hai bên đường có những mái chòi bằng lá. Ðó là những căn chòi được người dân dựng lên để bán bồn bồn.
Dưa bồn bồn ăn ngon khi kèm với mắm ruốc Cà Mau hay ăn cùng cá kho tộ hay thịt heo kho tàu, vị bồn bồn chua nhẹ, ngon giòn. Món ăn này hiện không thể thiếu trong các nhà hàng miền Tây vì được xem là đặc sản của vùng đất Nam Bộ.