banner tour mien tay

Tour miền tây 2 ngày

Đặc sản Bến Tre - Sầu riêng Cái Mơn

Đặc sản Bến Tre sầu riêng Cái Mơn: Vùng đất Bến Tre không chỉ nổi tiếng với dừa, nơi đây còn là vùng đất của rất nhiều loài cây trái khác nhau. Trong đó có một địa danh đã gắn liền với loài sầu riêng cơm vàng, hạt lép, hương thơm đặc biệt mang tên Cái Mơn.

Sầu riêng – vị vua không ngai của trái cây nhiệt đới

Sầu riêng được mệnh danh là “Vua” trái cây của vùng nhiệt đới. Loại trái cây này có thể khiến vạn người mê bởi khả năng đánh thức khứu giác và cũng khiến nghìn người sợ hương vị độc đáo, mạnh mẽ này.
Sầu riêng được xếp là một trong những loại trái cây “Vua” của vùng nhiệt đới. Ở nước ta sầu riêng có 60 loại và chỉ cho quả ngon nhất nếu trồng ở vùng Nam Bộ. Đặc biệt là sầu riêng của vùng đất phù sa Tây Nam Bộ. Bến Tre được mệnh danh là vùng đất xứ dừa, bên cạnh dừa một đặc sản cũng nổi tiếng gần xa đó là sầu riêng Cái Mơn. Sầu riêng Cái Mơn có cơm màu trắng hoặc màu mỡ gà bọc quanh hạt lép có mùi thơi đặc trưng, cơm càng dày vị càng ngọt, càng béo đậm đà. Ăn vào có cảm giác như tan trong miệng. Có thể nói không một loại sầu riêng nào có thể sánh bằng sầu riêng ở vùng đất Cái Mơn.

Sự tích trái Sầu riêng :

Sầu riêng - một cái tên đặc biệt cho loại trái cây cũng rất ư là đặc biệt này. Du lịch Thời Đại Việt xin mạn phép được kể về sự tích trái sầu riêng hầu chuyện cùng các bạn. Chuyện kể rằng: ngày xưa dưới thời Gia long, khi nhà vua lên ngôi trị vì đã cho lùng bắt những người từng theo nhà Tây Sơn để trả thù. Do vậy, nhiều trai tráng phải trốn tránh, ngược dòng Cửu Long và phiêu bạt qua nước khác. Thế rồi một trong số những chàng trai lưu lạc ấy đã nên duyên chồng vợ với cô gái ở nước láng giềng. Hai vợ chồng sống êm đềm hạnh phúc với ruộng vườn tuy cực nhọc nhưng rất bình yên. Trong vườn nhà của họ có một loại trái cây mà khi chín tự nó sẽ rụng xuống và ai mới thoạt ngửi lần đầu đều cảm thấy có mùi khó chịu, trái đó có tên gọi là ''tu-rên''. Dần dần rồi chàng trai cũng quen và yêu thích mùi vị ngọt thơm thứ cây quả lạ của quê vợ mình. Thấm thoát mà hương lửa mặn nồng cũng đã tròn mười năm. Một hôm, nàng đi lễ chùa về đột nhiên bị cảm mạo, chàng hết lòng chạy chữa nhưng thảm thương thay mệnh số nàng sao quá ngắn, nàng đã vội từ giã cõi đời để lại chàng với nỗi đớn đau ngậm ngùi không sao kể xiết. Rồi nghe nói ở quê nhà đã bình yên trở lại, chàng lưu luyến giã từ quê vợ để về lại xứ sở mình. Trước khi hồi hương, chàng ra thăm lại cây Tu-rên lần cuối đúng vào mùa trái chín và một trái thật to, hương thơm ngào ngạt đã rụng sẵn dưới gốc tự hồi nào. Chàng nâng niu như báu vật và mang theo về quê hương như mang theo hình bóng của nàng.
Về quê - một vùng đất trù phú của miền Nam - chàng tất tả ươm hạt tu-rên thành cây và đem trồng trong vườn, ngày đêm chăm bón. Thấm thoát gần mười năm nữa lại trôi qua, cây tu-rên to lớn dần và đơm hoa kết trái. Chàng trai bây giờ đã bước sang tuổi trung niên, mái tóc lốm đốm hoa râm nhưng lòng cảm thấy trẻ trung ấm áp khi nhìn những trái tu-rên lúc lĩu trên cành. Bao năm trồng cây đã tới ngày hái quả, trái tu-rên đầu tiên chín và rụng xuống, ông liền mời bà con láng giềng đến thưởng thức. Khi bổ ra có nhiều người nhăn mặt nhíu mày với mùi hương lạ và khó chịu tỏ vẻ không ưa. Ông chân thành bày tỏ:
Sau riêng cái Mơn 1

Sầu riêng Cái Mơn 2

- Nó xấu xí, có mùi khó chịu nhưng chính những múi của nó ở trong lòng lại đẹp đẽ thơm tho như mối tình đậm đà của đôi vợ chồng son trẻ ...
Ông vừa nói vừa chia những múi tu-rên vàng óng cho mọi người cùng nếm. Đoạn ông kể hết mối tình duyên xưa mà lâu nay vẫn giấu kín trong lòng. Mọi người xúc động và từ đây họ gọi tên loại quả đó là sầu riêng để nhớ mãi mối tình thương cảm và công lao của người đưa giống về trồng.
Như vậy chúng ta có thể thấy chữ “sầu riêng” là tên của loại trái cây này đó là dùng để nhớ về “nỗi sầu mất vợ của riêng mình anh” mà chỉ một mình anh có thể hiểu được.

Tại sao lại có tên gọi là Cái Mơn?

Theo học giả Vương Hồng Sển – người có rất nhiều năm nghiên cứu về Nam bộ thì từ “Cái” trong Cái Mơn có nghĩa là con rạch lớn. Cái có nghĩa là “sông con” (đây là tiếng cổ của dân tộc Phù Nam). Người miền Nam hễ những gì to, lớn cũng được xem là Cái ví dụ như đường cái, nhà cái…“Mơn” là từ đọc chệch của từ “Mun” (tiếng Khmer có nghĩa là mật ong). Nhà văn Sơn Nam, một người chuyên viết về văn hóa Nam Bộ cho rằng, ngày xưa, hai bên bờ con rạch ở vùng đất Cái Mơn này có rất nhiều mật ong vì đây là xứ trồng cây trái xum xuê, quanh năm hoa trái đầy cành nên thu hút ong về làm tổ, hút mật. Vì thế tên Cái Mơn bắt nguồn từ ý nghĩa như vậy. Trong các điểm đến của miền Tây thì hầu như những địa danh bắt đầu với từ Cái thường xuất hiện ở miền Tây như Cái Bè, Cái Răng, Cái Mơn, Cái Nước, Cái Tắc…
Cái Mơn là xứ miệt vườn trái cây nổi tiếng ở huyện Chợ Lách, Bến Tre. Các loại trái cây đặc sản miền Tây hầu như tập trung ở khu vực này. Do vậy, hằng năm Bến Tre thường tổ chức các lễ hội trái cây và đã thu hút đông đảo du khách tham quan. Các vườn cây trái Cái Mơn được bao bọc giữa bốn bề sông nước của dòng Cổ Chiên và Hàm Luông nên quanh năm khí hậu ôn hòa, cây lá xum xuê, tươi tốt. Nơi đây trở thành miệt vườn trù phú với các loại trái cây ngon nổi tiếng khắp vùng đồng bằng sông Cửu Long như sầu riêng, chôm chôm, bưởi, xoài, nhãn, mận…

Sầu riêng Cái Mơn có gì đặc biệt?

Sầu riêng Cái Mơn chỉ ra trái vào mùa hè từ tháng 5 đến tháng 7 dương lịch, điểm khác biệt với sầu riêng Cái Mơn đó là khi trái chín thì vỏ vẫn xanh bắt mắt. Người thưởng thức yêu thích loại sầu riêng này bởi nó mỏng vỏ, gai thưa, múi lớn màu vàng ươm, và đặc biệt có vị ngọt dịu tự nhiên kèm vị béo như sữa bò, và tỏa hương ngào ngạt. Và khi chín, sầu riêng Cái Mơn thường tự rụng, vào khoảng 12g trưa hoặc nửa đêm.
Sầu riêng Cái Mơn nặng tầm từ một đến hai kg, có khoảng 10 múi to, cơm dày, béo, thơm, ngọt mang vị rất riêng không thể trộn lẫn với sầu riêng ở bất kì nơi nào khác. Hiên nay, nhờ đầu tư khoa học kĩ thuật mà sầu riêng Cái Mơn cho trái quanh năm, trái to và sai hơn, cho cơm dày và hạt lép.
Thiên thời, địa lợi lại được áp dụng khoa học kĩ thuật nên ở Cái Mơn sầu riêng phát triển hơn bất kì nơi nào, sầu riêng ở nơi đây đã trở thành một thương hiệu riêng biệt, như chính dừa của Bến Tre.